Đăng bởi: thuanbai | Tháng Mười 14, 2013

Tầm nhìn văn hoá khi chọn nơi an nghỉ của Đại tướng

ĐS&PL) – Ngoài lý do về phong thủy, tâm linh, người kiến tạo lịch sử, vị tướng lẫy lừng của thế giới – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – đã quyết định chọn vùng đất Vũng Chùa – Đảo Yến để “yên giấc ngàn thu”, hẳn sẽ còn có cả nguyên nhân chiến lược về: Quốc phòng, kinh tế, chính trị và văn hóa.

Như chúng tôi đã trao đổi ở bài trước, Vũng Chùa – Đảo Yến nằm trong Khu Công nghiệp Cảng biển Hòn La, dưới chân Đèo Ngang. Hòn La đang là cảng biển sâu, vốn được xem lý tưởng vào loại bậc nhất nước ta. Là tiềm năng kinh tế biển, nhưng vì nhiều lý do, nơi đây vẫn chưa được đầu tư, phát triển xứng tầm.
Việc Đại tướng chọn “viên ngọc” thô này làm nơi an nghỉ, sẽ góp phần nào giúp địa phương kêu gọi đầu tư, cùng với Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế toàn khu Bắc Miền Trung vốn đang còn đói nghèo.
Để hiểu thêm về mảnh đất này, chúng tôi đã ghé thăm nhà một số vị cao niên ở xã Quảng Đông. Ông Cao Sỹ Điều, một người sinh ra và lớn lên ở đây cho biết: “60 năm gắn bó với vùng đất ni, tui biết rõ về nó lắm. Cái tên Vũng Chùa – Đảo Yến đã có từ lâu rồi. Khi còn bé, tui nhiều lần ra Đảo Yến. Chỗ ni có một cái hang rất to, chim yến sinh sống trong đó nhiều lắm. Đằng sau Vũng Chùa là núi. Phóng tầm mắt ra biển, Đảo Yến như một bức bình phong giữa biển. Người dân quê tui cũng thường hay ra đây, nhìn về đó chỉ thấy một đường cung giao giữa trời và đất, bao la nghìn trùng. Biển ở đây, vừa có độ sâu lý tưởng vừa có dải cát trải dài, nước sạch, trong xanh. Hồi trước, bà con quê tui sống bằng nghề thu hoạch Yến, nhưng giờ có Công ty Yến sào Khánh Hòa vô làm, dân lại quay sang nghề đánh bắt”.
Ảnh do PV của ĐS&PL phác họa
Như đã biết, quê hương Lệ Thủy của Tướng Giáp – nơi có con sông Kiến Giang hiền hòa chảy qua – là một địa danh nằm cuối đất Quảng Bình từ Bắc vào Nam. Nên không phải ngẫu nhiên mà Người chọn Vũng Chùa – Đảo Yến, một điểm đầu cực bắc của tỉnh Quảng Bình để “nghỉ ngơi”. Từ nay, người từ phía Bắc muốn vào thăm cụ thì sau khi qua Đèo Ngang rẽ vào phần mộ dâng hương, cũng sẽ đi tiếp đến tận phía Nam tỉnh Quảng Bình để tham qua Khu di tích nhà ở xưa của Đại tướng.
Và ngược lại, người từ phía Nam khi ghé ra thăm Khu nhà lưu niệm ở Lệ Thủy, cũng sẽ đi tiếp đến điểm đầu của Quảng Bình để thắp nén nhang lên mộ phần của Người. Với lộ trình như vậy, đất và người Quảng Bình sẽ nhộn nhịp hơn. Nó phàn nào thúc đẩy rất lớn việc phát triển các dịch vụ du lịch trên quê nhà – nơi vốn phải trải qua nhiều thiên tai tàn khốc và mưa đạn của quân thủ. Có biển Nhật Lệ, Có Phong Nha – Kẻ Bàng, Sơn Đòong, từ nay, mảnh đất nghèo này sẽ hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch.
Cùng với việc đón nhận mộ phần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong khu vực Hoàng Sơn – Hòn La sẽ sớm xây dựng một căn cứ quân đội (ít nhất là cấp sư đoàn) để bảo vệ vĩnh viễn lăng mộ cho Người. Có quân đội thường trực, sự trăn trở về an ninh, quốc phòng về cái điểm “tử huyệt” sẽ phần nào được hóa giải. Một ý nghĩa nữa, khi chọn lựa nơi này của Đại tướng có liên quan đến vấn đề biển Đông – nơi tình hình chính trị – quốc phòng chưa bao giờ được chúng ta lơ là, xem nhẹ. Lăng mộ của cụ có mặt trước hướng ra biển Đông. Nhưng do đặc thù của eo biển nên từ trên tọa độ 130 của đỉnh núi Rồng, phóng tầm mắt qua Đảo Yến là chính trực hướng Đông Nam, nơi có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn đang có nhiều biến động.
Tọa lạc trên đỉnh núi Rồng (hay còn gọi là Thọ Sơn), Người như ngọn hải đăng tinh thần luôn sáng ngời để dẫn đường, nhắc nhở con cháu muôn đời sau phải có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của tổ quốc – nơi bọn ngoại xâm đang lăm le dòm ngó.
Ban đầu, theo dự kiến sẽ có 3 địa danh được các nhà khoa học, phong thủy cân nhắc để chọn an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quê nhà thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy; Phong Nha – Kẻ Bàng và Vũng Chùa – Đảo Yến. Nhưng phương án cuối cùng được lựa chọn vẫn phải là Vũng Chùa – Đảo Yến – nơi sinh thời, chính Đại tướng đã lựa chọn.
Khi biết thông tin Đại tướng sẽ an nghỉ tại núi Rồng, nhiều người dân quê nhà ở làng An Xá rất buồn, có đôi chút hụt hẫng. Rồi sau, khi biết đó là nguyện vọn cuối đời của Cụ và tâm nguyện của gia đình, mọi người đều toại nguyện, thể theo. Một người con làng An Xá phân tích: “Cụ Giáp là người đã có những quyết định mang tính lịch sử và đi đến thắng lợi. Nếu cụ đã chọn Vũng Chùa, chắc là có nguyên do đặc biệt của cụ rồi. Dẫu sao, cụ đã về được với quê hương là tốt lắm, không thể đòi hỏi hơn. Chúng tôi rất bằng lòng”.
Còn những người dân Vũng Chùa – Đảo Yến ở xã Quảng Thọ (Quảng Trạch) lại rất xúc động và háo hức. Ông Phan Công, một người dân sống sát biển Vũng Chùa nói: “Tui và rất nhiều người dân quê tui khi biết tin này đều xúc động không cầm được nước mắt. Nếu đây là nơi an táng Đại tướng thì đối với người dân quê tôi, đó là một niềm tự hào lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng lỗi lạc, một người mà ai ai cũng kính trọng. Nếu Đại tướng về an nghĩ vĩnh hằng nơi đây, chúng tôi nguyện sẽ bảo vệ, chăm sóc mộ phần thật tốt”.
Những ngày qua, rất nhiều danh xưng đã được dùng để nói về Người. Nhưng qua sự chọn lựa điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời mình, Đại tướng vẫn khiến cho không ít người phải thốt lên sự “tâm phục, khẩu phục”. Vũng Chùa, Đảo Yến, Hòn La, Mũi Rồng… và nhân dân Quảng Bình đã chính thức được đón Cụ về an nghỉ. Đây sẽ là chuyến về thăm và ở lại với quê hương vĩnh hằng của Người.
Theo quan sát của phóng viên, bãi biển Vũng Chùa – Đảo Yến, dân địa phương vẫn gọi là Bãi Rõ dài hơn 1km. Khung cảnh nơi đây tuyệt đẹp với bờ cát trắng mịn màng, quanh năm không có gió to và sóng lớn. Trong cái nắng nhè nhẹ của một ngày tháng 10, những con sóng xanh biếc vỗ vào bờ mơn man, như háo hức đón cụ về nơi đây. Những con sóng, những luồng gió mát từ biển xanh ấy, từ đây sẽ vỗ về giấc ngủ ngàn thu cho Người – Vị tướng tài hoa, niềm tự hào của cả dân tộc Việt.
Đăng bởi: thuanbai | Tháng Mười 5, 2013

10 VỊ TƯỚNG TÀI NHẤT MỌI THỜI ĐẠI


Lịch sử nhân loại từ cổ đến kim có nhiều vị tướng tài giỏi xuất chúng. Với thiên tài quân sự của mình, họ có thể làm thay đổi cả trật tự thế giới. Xin giới thiệu mười danh tướng tiêu biểu sau đây:

1. Alexander đại đế (384 – 322):
Người chinh phục vĩ đại nhất suốt lịch sử của Hi Lạp cổ. Những chiến công của ông được đánh giá cao vì nó làm cho văn hoá Hi Lạp được lưu truyền khắp nơi, đạt đến đỉnh cao nhất trong lịch sử Văn minh nhân loại.

[​IMG]

2. Hanibal Barca (247-183)
Vị tướng huyền thoại này với lực lượng ít và yếu hơn hẳn đế chế Rome nhưng đã tiến hành những cuộc hành quân vô tiền khoáng hậu từ Cathegne (Tây Ban Nha ngày nay) đánh thẳng vào Rome, với những chiến thắng vang dội làm suy yếu tận gốc rễ đế chế La Mã, mặc dù sau này Rome phản công và đã phải dùng đến chính sách lược của Hanniban là cho quân đánh thẳng đến Cathegne khiến cho Hanniban thua trận phải tự sát nhưng từ đấy đế quốc La Mã suy tàn không còn gượng dậy được nữa.

[​IMG]

3. Julius Cesar (100 – 44) 
Tổng tài của đế chế La Mã, người chinh phục gần như toàn bộ Châu Âu thời bấy giờ, chiếm sang cả Ai Cập và Babylon; rất nổi tiếng với bản báo cáo chiến thắng gửi Viện Nguyên lão khi ông được cử chinh phục Babylon : “VENI, VEDI, VICI” (Ta đã đến, đã nhìn thấy, đã thắng)…. bộc lộ sự kiêu căng của một người tài năng chiến thắng.

[​IMG]

Đó là 3 danh tướng tiêu biểu cho thời Cổ.

4. Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227)
Nhà chinh phục vĩ đại nhất của nhân loại, mở ra đế quốc Nguyên Mông chưa từng có trong lịch sử, thiên hạ anh hùng cổ kim không ai sánh bằng. Những cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn có sự tàn phá nặng nề với các nền Văn Minh khác, thậm chí là xoá sổ .” Vó ngựa Mông cổ đi đến đâu, nơi đó cây cỏ cũng không mọc được “.

[​IMG]

5. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300) 
Vị danh tướng anh hùng dân tộc Việt Nam đã đánh bại đạo quân thiện chiến vô địch của con cháu Thành Cát Tư Hãn. Sau chiến thắng 1288, đế chế Mông Cổ bắt đầu suy yếu và tan rã trên phạm vi toàn thế giới. Hoàng gia Anh đã tặng đức Thánh Trần danh hiệu Người đánh bại đế chế Mông Cổ.

[​IMG]

Đó là hai danh tướng nổi bật và tiêu biểu cho thời trung cổ.

6. Oliver Cromwell (1599 – 1658) 
Là danh tướng nước Anh, lừng danh trong lịch sử với đội quân sườn sắt đã đánh bại quân đội của hoàng gia Stewart trong cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII, chém đầu vua Anh Charles I (1649), sau trở thành Bảo Hộ Công, tổng tài của Anh quốc.

[​IMG]

7. Napoleon Bonaparte (1769 – 1821) 
Hoàng đế Pháp vĩ đại chinh phục gấn hết Châu Âu, danh tướng vĩ đại nhất thế giới thế kỷ 19. (Bộ “dân luật” ảnh hưởng đến cả châu Âu – gián tiếp khiến cho các quốc gia Đức và Ý hình thành, ảnh hưởng về tổ chức quân đội, chiến lược tác chiến trên thế giới, gieo rắc tư tưởng tự do. Những cuộc chinh phục cũng như nghệ thuật chiến tranh của ông đã đi vào lịch sử chiến tranh của nhân loại.

[​IMG]

8. Mikhaiin Cutudop (1745 -1813) 
Danh tướng Nga, đã đánh bại Napoleon chặn đứng cuộc xâm lăng của Napoleon vào Nga (1812), sau đó lãnh đạo liên quân các nước Áo – Phổ tiến đánh Paris lật đổ hoàn toàn sự thống trị của Napoleon. Ở Nga ông được xem như anh hùng dân tộc. Cùng với Suvurop, ông được lịch sử vinh danh là bậc thầy của nghệ thuật hành quân vượt núi.

[​IMG]

Đó là 3 danh tướng tiêu biểu cho thời cận đại.

9. Geogry Zukop (1896 – 1974)
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, hiếm có vị tướng nào chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ biết có chiến thắng, hết trận này đến trận khác. Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh trong Thế chiến thứ hai, Nguyên soái G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn, chiếm bảng vàng về tài năng chỉ đạo chiến dịch,chiến lược. Những chiến tích sáng chói của ông trở thành tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.

[​IMG]

10. Võ Nguyên Giáp( sinh năm 1911) 
Đại tướng tổng tư lệnh quân đội Việt Nam, viện Hàn Lâm hoàng gia Anh vinh danh ông là người đánh đổ hai chế độ thực dân cũ và mới, bậc thầy của chiến tranh du kích.

[​IMG]

Tìm hiểu thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B5_Nguy%C3%AAn_Gi%C3%A1p

Mười người được ghi danh là danh tướng tiêu biểu của nhân loại!

Theo Go
Đăng bởi: thuanbai | Tháng Bảy 2, 2013

Dấu tích Vua Hàm Nghi tại Minh Hóa

Dấu tích kho vàng của vua Hàm Nghi trên đất Minh Hóa

Rời kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đến đất Minh Hóa (Quảng Bình) triển khai phong trào Cần Vương chống giặc Pháp. Khi phong trào thất bại, vua bị bắt, nhưng những câu chuyện cùng với kho báu của vua vẫn được người dân lưu truyền.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu ghi lại, giữa tháng 10 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng triều đình từ đồn Sơn Phòng, tỉnh Hà Tĩnh di giá về Cơ Sa – Kim Linh, huyện Minh Hóa bây giờ. Vua và quan quân triều đình ngự giá đầu tiên ở xóm Sạt (nay là tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt) ba ngày ba đêm. Tại đây, vua phong cho ông Đinh Văn Nguyên làm chức Các Lộ Chiến cùng với đội nghĩa quân người Nguồn của mình canh gác, bảo vệ nhà vua. Sau đó, vua di giá về xóm Đồng Nguyên (thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa) một đêm rồi về lại xóm Lim (thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa) ở 8 ngày đêm.

vuahamnghi_1372731193.jpg
Vua Hàm Nghi. Ảnh tư liệu.

Ông Đinh Sâm, 81 tuổi ở làng Ba Nương kể, trong những ngày ở xóm Lim, vua Hàm Nghi phong cho ông Đinh Văn Xán chức Bang Tá, lập văn phòng tiếp nhận chỉ dụ của vua gửi đi và tiếp nhận biếu tấu các nơi gửi đến. Với tinh thần trung quân, ái quốc, nhiều người Nguồn ở Ba Nương và các nơi đã chặt cây vàng lô (một loại cây có nhiều gai) rào xung quanh khu vực vua ở nhiều lớp, tạo nên một làng chiến đấu vững chắc, bảo vệ nhà vua cùng quan quân triều đình.

Ngày thứ tám ở xóm Lim, vua nhận được tin báo thực dân Pháp đang truy đuổi sắp đến xóm Trèng (thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc). Thấy tình thế ở đây không an toàn, ngay đêm đó, vua cùng quan quân triều đình chia làm ba đoàn hành quân thần tốc vào Ma Rai, xã Hóa Sơn, trên ba con đường. Đoàn phò vua chủ yếu là nghĩa quân người Nguồn do ông Bang Tá Đinh Văn Xán điều hành thay phiên nhau cõng nhà vua đi bằng con đường gần nhất là từ xã Xuân Hóa qua xã Hóa Hợp theo đường Pặn Chuối, dốc Ải rồi qua eo Lập Cập vào Ma Rai, xã Hóa Sơn.

Qua eo Lập Cập, vua lệnh cho một bộ phận ở lại do ông Đinh Văn Nguyên chỉ huy canh gác tại đây và eo Chò. Bộ phận này là một đội quân tinh nhuệ chủ yếu là người Nguồn, được trang bị nỏ và tên độc. Đoàn quân thứ hai do đô đốc Tả quan Trần Soạn hành quân vào xóm Dò – Sy Thượng (xã Hồng Hóa) về ngã ba Khe Ve. Đoàn thứ ba là đoàn nghi binh do Tôn Thất Thuyết chỉ huy. Trong đoàn này có ông Nguyễn Văn Nhuận, người từng dạy học cho vua đóng giả vua Hàm Nghi.

Vị “vua” này được cải trang như thật với áo ngự bào, đội vương miện, ngồi trên võng vàng và được 4 binh lính khiêng bằng đòn rồng. Ngoài ra, đoàn quân hộ giá của “vua” có cả voi, ngựa và một đoàn dân phu người Nguồn đi theo khiêng vác rương, hòm đựng châu báu và đồ dùng của vua đi từ Ba Nương ra Quy Đạt xuống Tân Lý rồi dừng lại ở thác Dài (xã Trung Hóa). Hôm sau, quân Pháp từ Quy Đạt kéo vào Ba Nương để bắt vua nhưng không gặp. Chúng chia ra hai cánh quân để truy kích nhà vua. Cánh thứ nhất đi theo đường cái đến thác Dài. Thấy quân Pháp đến, “vua” liền ngồi lên võng cho 4 lính khiêng chạy. Đến cửa Rục Mòn thì “vua” xuống võng cho lính cõng chạy được một quãng đường rồi bị bắt.

Một cánh quân thứ hai do Đại úy Huygo chỉ huy bắt ông Lý Bài (lý trưởng làng Ba Nương) đi trước dẫn đường đến eo Lập Cập. Đến đây, ông Lý Bài không chịu đi trước vì sợ quân ông Tác Bình (một người Nguồn bắn nỏ rất giỏi) bắn tên độc. Do đó, Huygo lệnh cho trung đội quân Pháp giương súng xông lên. Nhưng tất cả tên lính bước qua “yếu hầu” Lập Cập đều bị tên độc bắn trúng. Trong cuộc chiến đấu đó, quân Pháp bị chết và bị thương hơn một nửa.

eolapcap.jpg
Eo Lập Cập được xem như là cửa tử của quân Pháp khi tiến vào xã Hóa Sơn. Ảnh: báo Quảng Bình.

Tức điên, Huygo bắt ông Lý Bài phải xông lên, nhưng ông một lòng trung quân, ái quốc. Huygo đã giương súng bắn chết ông Lý Bài ngay tại chỗ rồi liều mạng xông lên. Ngay lập tức, tên đại úy này đã bị trúng hai phát tên độc của quân ông Tác Bình. Bị thương nặng, Huygo đành ra lệnh cho quân rút khỏi eo Lập Cập chạy về Bãi Đức. Tập trung quân lại, Pháp mới biết ông  “vua” bị bắt chính là thầy dạy học của vua Hàm Nghi, liền thả cho “vua” giả về quê với gia đình.

Những tháng năm ở Ma Rai, vua Hàm Nghi và quan quân triều đình được dân làng nhường nhà cửa, vườn nương cho vua làm việc, xây dựng căn cứ. Người dân Hóa Sơn đã chặt cây vàng lô rào làng chiến đấu, bảo vệ nhà vua. Vua cùng với triều đình xây dựng trận địa kháng chiến chống Pháp, phát triển phong trào Cần Vương trên đất Cơ Sa – Kim Linh và những vùng lân cận. Các căn cứ địa được vua xây dựng vững chắc tạo nên thế trận chiến đấu liên hoàn. Nghĩa quân các căn cứ địa này đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều quân Pháp, bảo vệ vua Hàm Nghi cho đến khi ông bị bắt sau hơn ba năm ở trên đất Minh Hóa.

Trước khi bị bắt, vua Hàm Nghi đã cho đem vàng bạc châu báu đi giấu vào một thân cây cổ thụ tại vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau. Nhiều người cao tuổi ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, kể lại trong một trận lũ lớn tháng 8/1956, có cô gái tên Qúy đi xúc cá đã phát hiện ra nhiều tấm kim loại màu vàng trên bãi đất bồi bên vực Trẩy, khe Dương Cau, xã Hóa Sơn.

Sau đó, cô gái này về báo lại với gia đình và nhiều người trong thôn đã đến xem, cho rằng toàn bộ số kim loại đó là vàng của vua Hàm Nghi. Thông tin này đã nhanh chóng đến được với chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Lúc đó, xã Hóa Sơn đã chỉ đạo cho lực lượng dân quân, công an bảo vệ rồi thu gom vàng. Tổng cộng số vàng thu được là 240 kg, bỏ đầy 5 cái nong phơi lúa. Đó là những tấm vàng có hình chữ “Đại”. Vàng được gom về tập kết tại sân nhà ông Phát gần đó rồi đem giao nộp cho Nhà nước.

Tuy nhiên, trước khi thu gom, có nhiều người dân đã lấy đi một số vàng đem về làm đồ dùng trong nhà như những thứ sắt, thép khác chứ họ không quan tâm đến giá trị của vàng. Nhiều người còn nói, cô gái tên Qúy đã lấy đi một lượng vàng khá lớn rồi đi vào miền Nam sinh sống đến nay vẫn chưa về.

vuctray.jpg
Vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau ngày xưa có cây Pằn Nàng là nơi vua Hàm Nghi cất giấu vàng. Ảnh: báo Quảng Bình.

Bà Đinh Thị Bình, 78 tuổi ở thôn Đặng Hóa kể lại: “Hồi đó, bên cạnh vực Trẩy có một cây Pằn Nàng rất lớn, nhưng trong thân lại bị rỗng. Sau trận lụt lớn, cây này bị đổ và nước cuốn cây xuống vực sâu. Khi lũ rút đi để lại rất nhiều vàng. Chính tôi đã nhặt được 5 chữ vàng rồi đem giao nộp và được cấp trên thưởng cho một bộ quần áo mới. Còn xã được thưởng ba con lợn với rất nhiều lúa gạo để ăn mừng”. Nhân sự kiện đó, nhiều người cho rằng, có thể vua Hàm Nghi đã cho người giấu vàng trong hốc cây Pằn Nàng đại thụ này.

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có còn kho báu nào của vua Hàm Nghi nữa không? Điều này cũng rất khó trả lời chính xác. Thế nhưng, gần 30 năm qua, ông Nguyễn Hồng Công, một người từ TP HCM đã tiêu tốn biết bao công sức, tiền của để tìm kho báu với một tấm bản đồ không biết thực hư. Và trong suốt thời gian dài đó, ông đã nằm gai nếm mật trên núi Mã Cú, xã Hóa Sơn để tìm vàng. Nhưng đến nay, sức cùng lực kiệt ông vẫn không tìm thấy kho báu nào. Dù trước đó, ông từng hai lần tuyên bố tìm thấy kho vàng của vua Hàm Nghi.

Ông Đinh Tiến Hùng, một người cao tuổi ở thị trấn Quy Đạt, đã có nhiều công trình nghiên cứu về vua Hàm Nghi nhận định: “Chẳng còn kho báu nào của vua Hàm Nghi ở xã Hóa Sơn nữa cả. Tôi cho rằng, bản đồ mà ông Nguyễn Hồng Công đang cầm đúng là bản đồ thật, được vẽ ngay tại thời điểm cất giấu vàng. Nhưng bản đồ này chỉ là chiêu bài đánh lừa hậu thế và giặc Pháp của nhà vua”.

Trước đó, các nhà khoa học cũng đã vào cuộc nghiên cứu và kết luận ở khu vực ông Công đào vàng trên núi Mã Cú không có dấu hiệu gì cho thấy các tầng đất ở đó bị xáo trộn như kiểu đã bị đào bới rồi lấp lại để chôn cất kho báu. Ở đó chỉ toàn là mạch đất nguyên sinh. Một số ý kiến khác lý giải thêm trong lúc đang bị giặc Pháp truy đuổi ráo riết như thế, vua và quan quân không đủ thời gian, điều kiện để đào cả ngọn núi chôn vàng. Trong cuộc hành trình của nhà vua từ Huế ra toàn đi bí mật ở địa hình rừng núi hiểm trở nên không cho phép mang vác cả một khối lượng của cải nặng đi theo nên chuyện mang cả kho báu là điều không thể.

Và trong thời khắc “dầu sôi lửa bỏng” như thế, có lẽ vua đã nghĩ nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất và quyết định chọn gốc cây Pằn Nàng để giấu hết toàn bộ số vàng.

Theo báo Quảng Bình

 
 
Đăng bởi: thuanbai | Tháng Năm 27, 2013

Nghề hốt cứt

Nghề hốt cứt (Từ Blog Bọ Lập)

 Phan Thế Việt-BV

OGER_Page_013 (Phụ nữ thu phân tại nhà)

Lúc tôi còn nhỏ mẹ tôi thường đe tôi :

‘’Nếu không học hành tử tế thì sau này chỉ có đi hót cứt thôi con ạ”

Hình ảnh người gánh phân suốt ngày lang thang trong cái thị trấn nghèo quê tôi làm tôi rùng mình. Cái tương lai có mùi khó ngửi này chẳng quyến rũ được ai. Nhưng mẹ tôi lầm. Thời tôi lớn đây là cái nghề hái ra tiền. Ít nhất cũng hơn hẳn cái sự kiếm ăn với cái bằng tiến sĩ của tôi. Anh biết đấy, viện Khoa Học của tôi nằm cạnh làng Cổ Nhuế, tôi có đủ sở cú để khẳng định với anh điều đó. Làng này sống bằng nghề hót cứt, có đền thờ Thành Hoàng hẳn hòi. Thành Hoàng làng Cổ Nhuế là một vị hót cứt chính hiệu. Trong đền người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay …Người làng Cổ Nhuế đã đời này qua đời khác, ngày lại ngày, làm sạch cho thủ đô Hà Nội.

Vua Lê Thánh Tông từng ban cho làng này câu đối :

‘’Khoác tấm áo bào giang tay gánh vác Thiên hạ

Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ Thế gian’’.

Anh đừng so sánh làng Cổ Nhuế với làng Phương Lưu ; cạnh trường đại học Hàng Hải của anh ở Hải Phòng. So sánh như thế là hạ nhục làng Cổ Nhuế của tôi đấy. Ngoài cái vinh quang của nghề hốt cứt (lao động là vinh quang), làng Cổ Nhuế còn là quê hương của một đại tướng : Ðại tướng Văn Tiến Dũng, cùng một tổ tiên vinh quang như các vị đồng hương gồng gánh của ông. Hơn nữa làng Phương Lưu của anh tuy hốt cứt nhưng chủ yếu sống bằng nghề đạo chích, chứ đâu có được ‘’tôn chỉ mục đích’’ như dân Cổ Nhuế.

 Thanh niên Cổ Nhuế ta thề

Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương

OGER_Page_307 (Lấy phân)Nhưng không phải dân làng Cổ Nhuế lúc nào cũng được hưởng cái vinh quang của lao động đâu anh ạ. Kể từ những năm hợp tác hóa ồ ạt vào cuối thập niên 50, nghề hót cứt đã phải chịu nhiều cay đắng. Người ta ngăn cấm những người nông dân đi hót cứt, coi như họ là những người trốn lao động, bỏ việc đồng áng để đi ‘’buôn’’ cứt. Người làng Cổ Nhuế phải tôn trọng pháp luật của đảng đành ngồi nhà mà tiếc rẻ những bãi…… đơn côi không người chăm sóc.

Chỉ mãi tới cuối năm 1986, sau đại hội đổi mới của đảng, đất đai được chia ra để cho các gia đình nông dân tự canh tác. Nghề trồng rau ở ngoại thành Hà Nội sống lại, người Cổ Nhuế mới lại được phép đi…. hót cứt và buôn… cứt.

Rau cỏ của xứ ta thơm ngon là nhờ phân Bắc. Các cụ lão nông chi điên dạy thế ! Phân hóa học cho dù là sản phẩm của trí tuệ văn minh, chỉ cho những thứ rau xanh tươi nhưng nhạt thếch.

Ðổi mới và cởi trói do mẫu công khai (Glasnost) có cái mặt trái của nó. Trước đây ai muốn đi hót cứt thì hót. Nhưng từ ngày người người đi hót, nhà nhà đi hót thì theo qui luật. ‘’Người khôn, của hiếm’’, dân Cổ Nhuế đã chiến đấu ngoan cường để dành lấy địa vị đầu ngành…. cứt Việt Nam.

Không biết đại tướng đồng hương , ngày ấy có can thiệp vào chuyện này hay không, nhưng theo qui dịnh của UBND thành phố HàNội dân ngoại thành không được phép tự do đi hót cứt và lấy cứt nữa. Trước đây ngoài những bãi cứt vô tổ chức, vô kỷ luật mà bất cứ ai cũng có thể hót. Người đi lấy cứt có thể đến làm vệ sinh cho các nhà xí hai ngăn ở các thành phố để để thu về cho mình một số cứt kiếm được. Bây giờ người nông dân ngoại thành bị bắt buộc phải mua phân tại chợ Cổ Nhuế, một chợ tự cổ chí kim, từ Ðông sang Tây đều không có, được thành lập năm 1989. Giá cả tùy thuộc chất lượng (nói sau).

Dân ngoại thành bây giờ trở thành người đi lấy phân thuê cho Cổ Nhuế. Họ được phân chia địa bàn hoạt động, theo lịch sắp xếp mang sản phẩm đến chợ nhưng không phải để họ tự bán. Họ chỉ được nhận phần trăm tiền bán mà giá do ban quản lý chợ Cổ Nhuế quyết dịnh. Chống lại ư ?? Mất việc ngay.

Ðội hậu bị, hàng ngàn người xung phong thay chân kiếm cứt (xã hội hiện tại cứt hơi ít lắm, nay phải kiếm, tức là phải đi làm vệ sinh để lấy cứt ở các hố xí, như đã nói trên) Ði kiếm cứt hơn hẳn làm thương nghiệp, đừng nói gì đến nông nghiệp. Mỗi lần tôi hỏi một anh Cổ Nhuế :

– Giá cả như thế chắc các anh chóng giàu lắm.

Anh đáp :

– Anh Giai ơi, trông thế thôi, chứ kiếm được hai sọt thì cũng ăn mẹ nó hết một sọt rồi còn gi !?!

OGER_Page_034 (Người lấy phân)

Trong chợ phân, xuất hiện phân giả. Người ta dùng đất xét thuồn qua ống nứa, giã nhỏ thân chối trộn lẫn với nghệ bôi bên ngoài và cho tất cả lẫn vào phân thật. Ðó là bí quyết. Phân giả gây náo loạn cho chợ phân khiên thanh niên Cổ Nhuế phải cử ra một bộ phận ‘’kiểm tra chất lượng’’ trước khi giao hàng. Anh còn nhớ dốc Bưởi chạy về viện Khoa Học không ? Trạm kiểm tra được lập ra tại đó, hoạt động từ mờ sáng đến trưa. Mùi uế khí từ tay các kiểm tra viên thọc thẳng vào sọt phân tìm của giả. Nhờ lành nghề và cương quyết, sau đó vài tuần, những đứa làm phân giả bị cắt giấy phép.

Tại chợ cứt được chia làm bốn loại:

– Hạng nhất (first class) là phân lấy từ khu Ba Ðình… nơi có nhiều gia đình quan chức nên cứt được coi là ‘’nạc’’(tiếng nhà nghề chỉ cục phân rắn chất lượng cao) (!).

– Hạng 2, Từ khu Hoàn Kiếm, nơi có nhiều dân buôn bán, nhiều nhà hàng khách sạn.

– Hạng 3. Từ khu Hai Bà Trưng và Ðống Ða, nơi đa số dân cư là ngưòi lao động, xài nhiều rau nên ‘’mờ’’ (nhiều nước lỏng bõng)

– Hạng 4. Từ ngoại thành, loại này xanh lẹt vì ‘’nguồn nguyên liệu thuần túy là rau muống. Bà con nông dân làm gì có thịt mà ăn.

Có lần tại chợ xuất hiện một sọt phân đề chữ : ‘’Phân ngoại 100 phần trăm’’. Dân chúng không hiểu tại sao có bọn dám qua mặt Hải quan, dám nhập cảng ‘’phân ngoại’’ về xài.

Về sau chủ nhân sọt phân giải thích : Phân lấy từ bể ‘’phốt’’ (fosse septique) của các sứ quán nước ngoài thì không phải là phân ngoại còn là gì ?

Ðây là những điều tai nghe mắt thấy, tôi ghi lại gửi anh để có dịp kể lại cho bà con xa nước nghe chơi… Cho biết quê hương ta có những thứ…. mà người ta hoàn toàn không có. Tôi bảo đảm đây là sự thật ‘’chăm phần chăm’’./.

……………………………….

*Tên bài của Bách Việt, tên gốc: Làng Cổ Nhuế

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Ba 23, 2013

Về Quê Nội

VỀ QUÊ NỘI

Trùng khánh

(Tặng những người con của làng Thuận Bài về thăm quê hương tết Quý Tỵ)

  

Con về thăm nội – nội ơi

Nắng xuân đã giục, nắng đời đã hao

Lom khom bóng nội năm nào

Tảo tần mưa gió với bao dòng đời

Bàu Trãi lác ngập nước trôi

Mạ Quan, Đồng Lệ nắng nôi bão bùng

 

Con về đi giữa phố đông

Chợ Riêng, Đồng Sót trăng lồng bóng cau

Xóm trên, xóm dưới đẹp giàu

Xe con ken ngõ, trăng thâu mĩm cười

 

Hồn quê – bóng nội – nội ơi

Cho con Ân- Đức nên người hôm nay

Con đi không hết vòng tay

Nội con che chở tháng ngày xa quê !

 

Gió xuân giục bước con về

Một lòng yêu nội – lời thề cháu con!..

Tết Quý Tỵ   (Trần Mạnh Hảo)

Sông Gianh

Sông Gianh

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Mười Một 26, 2012

HƯƠNG ĐƠN SA

LTS: Làng Đơn Sa cách Thuận Bài ta một cánh đồng. Ở đó có những đồi cát trắng với những rừng phi lao hiên ngang trước bảo táp phong ba, có tháp chuông nhà thờ nhô lên sau những lũy tre xanh ngắt. Làng Đơn Sa tự cái tên đã nói lên tất cả. “Sa” có nghĩa là cát, “Đơn Sa” có nghĩa là một vùng cát xa xôi, đơn lẽ. Nhưng có một người con của Làng Đơn Sa đã giải thích theo một cách khác. Đó là tên làng được đặt theo tên của một loại cây có tên là “Đơn Sa”. Mặc dầu ngày nhỏ , chúng tôi vẫn thường xuống những đồi cát, rừng phi lao để cào lá về làm củi, nhưng chưa biết cây Đơn Sa là gì.  Tôi đăng bài này lên đây để chúng ta cùng tham khảo để hiểu rõ hơn nữa tên đất tên người của Quê hương chúng ta.

HƯƠNG ĐƠN SA

(Mai Thế Hùng)

Cuối mùa mưa, trời đất lại theo cái vòng tự nhiên của nó, cứ nóng hâm hấp lên, Sài Gòn trước khi cơn mưa ập đến bất ngờ, nóng, nóng lả lơi. Mưa rơi, nước trắng nhạt nhòa, cái mát nhợt nhạt cũng làm cho em thoải mái phần nào, thế mà tự dưng nắng lại từ đâu lò mặt ra và trở nên bừng hứng hơn trong cơn mưa. Mưa và nắng đan nhau, dan díu nhau, thả mặc cơn gió lang thang vô định.

 Anh nhớ da diết làm sao những ngày tháng đã xa, khi còn mặc quần ống tóp, ngắn đến mắt cá chân, đi đôi dép tông Thái Lan – phần thưởng của một năm học xuất sắc, tóc rẽ ngôi ba ngôi bảy, môi mềm chưa hề nứt nẻ bởi những nụ hôn. Cũng độ này, những ngày không tới trường, anh đạp chiếc xe thống nhất màu xanh lá mạ, cứ ngược gió mà xuôi về phía biển, về quê nội, về cái làng chỉ có phi lao, cát trắng và dĩ nhiên làng thường có những cánh đồng xanh rờn những lúa, tuy nhỏ hẹp và chỉ biết chạy men theo những đồi cát trắng tinh. Ra đi từ buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời vượt lên khỏi lũy tre phía đông của làng, anh đã bắt đầu ngửi thấy cái mùi thơm, thơm đến lạ lùng của những cây Đơn sa mọc say sưa trên những đồi cát trắng, nghiêng về phía biển. Gió nồm buổi sáng thường mát, cái hương của rễ, của thân, của lá cây Đơn sa tha hồ vương nhè nhẹ mà lan mềm theo gió.

 Về đến làng, ghé ngang khu vườn của họ mạc, chào hỏi các bậc gia trưởng, xin phép hái vài chùm nhãn lồng vào thăm mộ tổ tiên, hơi dài dòng và lễ nghi một chút, những điều đó, đối với họ tộc gia phả là một điều cần thiết và nhất là đối với các ông trưởng ông phó, những người vốn thật thà và rất yêu quí, yêu quí đến say mê những lễ nghi này. Có gì đâu, cứ mỗi lần như thế, sự thấm nhuần cho những nề nếp gia đình lại càng được gắn bó hơn. Băng qua những đường làng vốn dĩ vẫn mòn theo ngày tháng, rờn rợn tóc mai theo những cánh lúa xanh mãi rập rình theo gió. Ở những miền đất thanh bình, đồng xanh vẫn thế, bao giờ cũng được tô điểm thêm màu trắng ngân nga của những cánh cò. Ơi các cô các bác, các anh các chị, những người đương đi thăm lúa, chân lội bùn, tay nâng những lá lúa xanh ươm, đôi khi ngẩng đầu mà thấy vài cánh cò trắng muốt thả sức tung hoành trong nắng, hỏi còn gì để sánh bằng niềm vui chân chất đó nữa chăng?…

 Phải vượt qua cánh đồng! để lên với đồi cát mà hướng về phía biển, ở đó còn có nhiều niềm đam mê lắm. Nắng càng lên cao, mùi hương Đơn sa càng thấm thía, người ở làng gọi thứ cây đó với một cái tên hơi thô một chút, còn em, em kiêu kỳ hơn, em tự gán cho nó cái tên đậm mùi văn chương mà man mác xưa cũ hơn, rằng: cây Đơn sa. Cây Đơn sa, mọc trên cát, vì thế rễ ăn xuống lòng đất rất sâu, lại lan tỏa, lá nhỏ, thân thường khẳng khiu, chẳng vươn cao bao giờ, chỉ độ một mét rưỡi trở xuống mà thôi. Cứ đến độ này, cây Đơn Sa bắt đầu chín chắn, sau một mùa xuân ươm chồi nảy lộc, mùa hè Đơn sa xanh um những lá, để khi thu về thưa thớt lá đi và gom lấy cái hương về với rễ với thân của nó. Mùa đông, người làng bắt đầu đi đào cây Đơn sa về, chặt rễ, gẫy thân, giã nhỏ thành bột, trộn với thứ nước hồ lấy dưới chân những đồi cát và một thứ keo dính đặc biệt gì đó, viên lại thành những cây hương. Thứ thì để vậy, thứ thì khéo hơn, sẽ được bọc kín kẽ trong những liễn giấy trắng, ủ trong suốt mùa đông, nghiêng qua một chút của mùa xuân, trên những tấm liếp mỏng gác trên chạn bếp. Trước ngày ông Táo lên trời, các bà các chị mới tất bật lấy xuống, thứ để lại dùng trong nhà, thứ đem biếu tặng, thứ nữa quảy hàng ra chợ bán, đem mùi hương Đơn sa đến với mùa xuân của các gia đình trong vùng…

 Sáng nay, em vừa tỉnh giấc, đêm qua em đã thắp một nén hương Đơn sa, được ngửi mùi hương Đơn sa trong giấc ngủ, mọi mưa nắng thường ngày bỗng dưng biến đâu mất. Em biết rằng, ngày hôm nay, Sài Gòn cũng sẽ mưa rồi nắng, lại nắng rồi mưa, sự thay đổi của ông trời thường lơ mơ lắm. Vẻ đẹp huy hoàng của sự thay đổi, thường hay chói chang trong những lời nói. Niềm vui, nỗi buồn và kể cả sự buồn cười trong những sự dịch chuyển bằng sự cố gắng của kiến thức thường làm cho đôi mắt mỏi mệt, vầng trán xám đi và mái tóc trở nên xơ cứng hơn bao giờ hết. Em muốn dâng mùi hương Đơn sa, muốn luồn lấy mùi hương Đơn sa vào những tâm hồn đang nương náu những dỗi hờn, giận dữ, những căng thẳng cam go để nhẹ ra, mênh mông ra, để tỏa ra một sự quyến rũ diệu kỳ đối với những hành động mạnh mẽ nhất. Lạ chưa, cũng chẳng cần phải quì xuống, chỉ cần ngồi trên tấm ngồi đan bằng cói, có thể nằm trên chiếc võng dù hay dựa lưng vào chiếc xa lông đen óng, thắp một cây hương Đơn sa lên, nhắm mắt lại, cho mùi hương man mác vào cõi lòng, cõi hồn của mình,…Này anh! nhẹ lắm, nhẹ lắm, anh ơi!

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Sáu 18, 2012

Những món ăn vừa lạ vừa độc ở Bình Thuận

(Nguồn Báo Đất Việt)

Ngoài hai món bánh canh và bánh căn quen thuộc, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi vùng đất này có hẳn gần 30 món vừa lạ vừa độc để bạn thưởng thức.

Bánh canh chả cá

 

Điểm hấp dẫn của bánh canh chả cá Phan Thiết là ngoài những miếng chả cá chiên óng ả, miếng chả cá hấp ngọt mềm là những sợi bánh canh sợi nhỏ, rời có màu trắng sữa. Điểm thứ hai là nếu thưởng thức món ăn này tại đây, bạn đừng quên thử cách kết hợp lạ giữa bánh mì và nước dùng của người dân nơi đây.

Địa chỉ tham khảo: Bánh canh Xíu, đường Kim Đồng, thời gian phục vụ: 14h – 22h; Quán Bánh canh trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thời gian phục vụ: 16h – 19h.

Bánh căn

 

Được nướng chín bởi những chiếc khuôn làm từ gốm Bàu Trúc, bánh căn vừa mang hơi thở của vùng đất nắng gió, vừa mang hương vị của biển thông qua phần nhân hải sản hấp dẫn. Cũng như bánh căn Phan Rang, bánh căn Phan Thiết cũng quyến rũ du khách ở sự phong phú của hàng loạt loại nước chấm khác nhau.

Địa chỉ tham khảo: Hầu như các chợ của tỉnh Bình Thuận đều có bán món này, hoặc bạn có thể tạt ngang khi di chuyển trên đường.

Lòng heo bánh hỏi Phú Long

Nếu các vùng khác, món dọn kèm của bánh hỏi thường là nem nướng, thịt heo thì khi đến Bình Thuận, cụ thể là thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, bạn sẽ bất ngờ với sự kết hợp không giống ai giữa bánh hỏi và lòng lợn. Nghe có phần đơn giản, song để tạo thành món “ai ăn cũng nhớ”, người đầu bếp phải rất kỳ công trong hàng loạt khâu chế biến bánh hỏi, cách luộc lòng đến tỷ lệ cân đối giữa các thành phần trong chén mắm me dọn kèm.

Địa chỉ tham khảo: Xã Phú Long, cách Phan Thiết chừng 7 cây số. Nơi đây san sát gần 20 tiệm ăn nằm dọc hai bên đường quốc lộ 1A; hay quán ở số 40 đường Trần Phú, Phan Thiết, Bình Thuận.

Gỏi cá

Gỏi cá Phan Thiết được chế biến từ những loài cá có sẵn như cá mai, cá suốt hay cá đục. Gỏi cá rất dễ làm nên các quán thường cạnh tranh nhau ở cách xử lý hay cách gia giảm mùi vị, nguyên liệu đi kèm. Một đĩa gỏi cá ngon phải đạt đủ chuẩn chua, cay của ớt, của hành tây ngâm giấm, tươi ngon của cá, cả cái giòn của những sợi rong tuyết đi kèm.

Địa chỉ tham khảo: Quán Việt Hải khúc bùng binh 19/4; Các quán nhậu ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty; Quán Cây Bàng ở Mũi Né.

Cá lồi xối mỡ

Cá lồi xuất hiện nhiều nhất là vào các tháng 7-8-9 âm lịch và thường có trọng lượng từ 0,5 – 5kg. Theo mẹo vặt của các bà nội trợ thì cá lồi lớn nhiều thịt và ngọt hơn cá lồi nhỏ.

Có thể chế biến nhiều món ngon từ cá lồi như nấu canh chua, kho tỏi, tiêu hay ớt, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cá lồi xối mỡ. Ngoài điểm nhấn độ ngọt, tươi của cá, nước mắm me với vị béo của gan cá cũng mê hoặc thực khách không kém.

Địa chỉ tham khảo: Quán Xuân Vàng, đường Võ Thị Sáu, Phan Thiết và các quán năm trên khu vực Mũi Tàu (Bờ Kè) sát cầu Trần Hưng Đạo, Phan Thiết.

Bánh quai vạc

Tại Bình Thuận, bánh quai vạc không chỉ được bày bán tại các chợ, các con đường lớn nhỏ mà bạn còn dễ dàng thưởng thức ở các bãi biển của vùng đất này như Mũi Né, Hòn Rơm…

Bánh quai vạc thu hút du khách ở lớp bột trong veo, dai mịn, com tôm lột đỏ au hấp dẫn. Song yếu tố khiến du khách muốn ăn lại lần nữa chính là chén nước mắm được pha chế từ loại mắm nổi danh của địa phương hay miếng chả cá hấp dai, mịn.

Răng mực nướng

Lúc trước, phần này của con mực thường được bỏ đi, sau đó vài người thử dùng để chế biến món ăn. Ngày nay, nó trở thành đặc sản địa phương cũng như món quà vặt quen thuộc của đời học sinh. Điểm hấp dẫn của món ăn này không nằm ở tạo hình mà là ở vị dai, giòn nhấn nhá cùng bánh tráng nướng, tương ớt vui miệng.

Địa chỉ tham khảo: Quán răng mực nướng gần Ga Phan Thiết (bán vào khoảng 3h chiều đến gần tối); Các quán răng mực nướng trên đường Nguyễn Tất Thành (hướng ra biển Đồi Dương).

Bánh tráng nướng mắm ruốc

Bánh tráng nướng không lạ, mắm ruốc càng không nhưng cách nướng kết hợp hai nguyên liệu này ở Bình Thuận khiến du khách “tròn xoe mắt”.

Bánh tráng dùng cho món ăn này là bánh tráng gạo, tráng mỏng điểm xuyết thêm vài hạt mè đen. Khi có khách yêu cầu, người bán sẽ lấy bánh tráng, trét lên một mắm ruốc, rồi thêm trứng cút thái múi cau, nem, chả cá, hành hoa… nướng trên lửa than nhỏ. Khi bánh chín đến một độ nhất định, đầu bếp sẽ dùng một thanh tre nhỏ, cuộn từ từ thành một chiếc kèn nhỏ sao cho các nguyên liệu đều nằm gọn trong cái cuốn bé xinh ấy.

Địa chỉ tham khảo: Thưởng thức món này ở ngã tư Thủ Khoa Huân và Trần Hưng Đạo hay góc Trần Hưng Đạo và ngã 3 Tam Biên.

Bánh tráng chấm mắm ruốc

Có hai cách phối vị cho món ăn này. Một là sự giao hòa giữa bánh tráng nướng chín, nhúng nước, rau sống, thịt hay cá, mắm ruốc cho món cuốn chấm. Một là chấm hẳn miếng bánh tráng nướng giòn tan, thơm lừng vào chén mắm ruốc cay nhẹ, thơm đậm. Mỗi cách có một cái thú khác nhau và tùy thuộc vào hoàn cảnh khác nhau. Song nhìn chung, vị thơm của món mắm vốn đậm vị và cái giòn tan, thơm lừng của bánh tráng nướng sẽ mang đến cho bạn hồi ức khá ngọt ngào.

Địa chỉ tham khảo: Món ăn này có bán ở các gánh hàng rong khắp Phan Thiết hay các chợ. Ngoài thưởng thức tại chỗ, bạn có thể mua mắm ruốc về làm quà.

Khoai lang hầm

Nếu giới trẻ xem khoai lang hầm như một món ngon, lạ, độc thì với những thực khách cao tuổi, món ăn này nhắc người ta gợi nhớ đến khoảng thời gian nghèo đói với ước mơ cháy bỏng về nồi cơm trắng.

Cách chế biến món ăn này cũng lạ. Khoai lang phơi thật khô, cho vào nồi hầm kỹ. Khi khoai đã chín mềm và tơi ra thì cho đường cục đã được chặt nhỏ vào nồi, trộn đều. Công phu như thế nhưng giá của món ăn này cực rẻ, từ 3.000 – 5.000 đồng/gói. Thêm một điều lạ là dù ăn nóng hay nguội, món ăn này luôn gợi người ta nhớ đến mùi hương của nắng, của gió.

Địa chỉ tham khảo: thưởng thức món ăn này ở khúc Cao Thắng và Lê Hồng Phong, Chợ Phường hay các chợ lớn nhỏ của tỉnh này. Lưu ý cỉ bán vào buổi sáng. 

Các món từ dông

Dông hay nhông là một trong những đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận. Có rất nhiều cách chế biến món dông song ngon nhất là dông nướng muối ớt (để nguyên con hay chặt nhỏ tùy kích thước).

Loại bò sát này ghi điểm ở những thớ thịt trắng phau, vị săn chắc cùng vị ngọt, thơm lạ. Giá các món dông dao động từ 100.000 – 500.000 đồng.

Ngoài các món kể trên, bạn cũng đừng bỏ qua các món như bánh bò, xôi vò bánh phồng, bánh mì xíu mại, mì Quảng, bánh xèo, bánh bèo, gỏi ốc giác, bún bò, bánh rế…

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Tư 21, 2012

Những hình ảnh vô giá về ‘đất lửa’ Quảng Bình

Nguồn Báo Đất Việt

Những hình ảnh này được thành viên diễn đàn Trái tim Việt Nam scan lại từ cuốn sách ảnh nhân dân Nhật Bản tặng nhân dân Việt Nam, do các phóng viên chiến trường Nhật Bản chụp vào đầu năm 1973 tại Quảng Bình.

Đây là khoảng thời gian sau khi hiệp định Paris được ký kết, nhân dân Quảng Bình đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Trong suốt một thập niên trước đó, với vai trò tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Quảng Bình đã hứng chịu sự hủy diệt nặng nề của quân đội Mỹ.

Theo thống kê, máy bay Mỹ đã thực hiện trên 80.000 cuộc tấn công vào Quảng Bình (trong đó có 2.172 lần bằng máy bay chiến lược B.52) với hơn 1,5 triệu tấn bom cùng hàng chục vạn quả rốc-két, tên lửa và tàu chiến đã bắn hơn 14 vạn quả pháo. Bom đạn Mỹ đã giết hại 12.330 người, làm bị thương 18.434 người. Đốt cháy và đánh sập hàng vạn nóc nhà…

Một hình ảnh trong bộ ảnh: Bom đạn được sử dụng làm nền cho khẩu hiệu chiến thắng.

Nhiều thành viên cộng đồng mạng đã không giấu nổi sự xúc động sau khi xem bộ ảnh của các phóng viên Nhật Bản.

“Tôi không biết nói gì hơn trước những hình ảnh vô giá này. Tôi có thể cảm nhận được sự cơ cực của người dân Quảng Bình vào thời kỳ đó, nhưng trên tất cả vẫn là tinh thần lạc quan và niềm tin vào ngày chiến thắng, thống nhất đất nước”, thành viên nick Orange Trang bình luận trên mạng xã hội Facebook.

Một thành viên trên trang Blogpost bình luận: “Nét mặt trong các tấm hình đều rất vui tươi, không có nét mặt nào biểu lộ sự lo âu, sợ hãi”.

Những hình ảnh này cũng góp phần giúp giới trẻ ngày nay có thêm hiểu biết về truyền thống đấu tranh của cha anh mình một cách trực quan, sinh động hơn.

Thành viên Thu Hương (Facebook) thổ lộ: Mình là người Quảng Bình đây. Từ trước đến giờ được nghe ông bà kể về những năm tháng chiến tranh trên quê hương cũng chỉ hình dung được phần nào thôi. Được xem những hình ảnh quý giá mới có thêm cảm nhận sâu sắc về truyền thống đấu tranh anh dùng của người dân quê mình. Tự hào quá!

Thành viên nick People’snavy Viet Nam nhớ lại thời thơ ấu của mình trên quê hương Quảng Bình: “Hồi đi chăn bò chúng mình nhặt bom bi ném nhau suốt”.

Dưới đây là những hình ảnh được giới thiệu:

Bom đạn được sử dụng làm nền cho khẩu hiệu chiến thắng. Hình ảnh chụp ở xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Quảng Bình năm 1973.

Những chị em phụ nữ của hợp tác xã nông nghiệp thôn Lộc Ninh đang chia cá. Kể cả lúc còn chiến tranh phá hoại, họ đã tổ chức đội ngư dân xung phong ra khơi vào ban đêm kể cả giữa khi Mỹ ném bom.

Một góc hợp tác xã làm mắm trên cát, Quảng Bình.

 Bom cỡ lớn không nổ được biến thành cột cổng vào làng, vừa là trang trí đặc biệt vừa là nơi trẻ em vui chơi trò đánh Mỹ.

Hố bom lớn biến thành ao, thành nơi thả cá, chăn vịt, trẻ em vui đùa, tắm rửa với đàn trâu.

Một cửa hàng tạp hoá ở Quảng Bình 1973.
Hải sản Quảng Bình năm 1973.
Nhà làm nửa nổi nửa chìm trên mặt đất, xung quanh có đắp tường đất dầy bao bọc.

Phòng ngủ, nơi ăn uống thì ở trong nhà làm nửa chìm nửa nổi. bếp, chuồng nuôi gia súc, nhà vệ sinh thì ở bên ngoài.

Trung đội phụ nữ bảo vệ đường. Các chị tuổi từ 26 đến 36 đều có con nhỏ. Quảng Bình là nơi có đường số 1 chạy qua, thường xuyên bị ném bom ác liệt. Các chị vừa nuôi em nhỏ vừa xông pha trong lửa đạn bảo đảm giao thông.

Chị em Quảng Bình.

Xưởng sửa chữa xe vận tải làm nửa chìm nửa nổi. Trong lòng đất có hầm để máy móc, phụ tùng, có phòng ngủ ăn thông nhau bằng nhưng giao thông hào chẳng chịt ở Quảng Bình.

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Hai 2, 2012

Xuân về, lại nhớ Bác Hồ

Trần Đăng Khoa

Thi thoảng, trong đời sống công chức, chúng ta vẫn thường làm một việc không lấy gì làm mới mẻ: Kê khai tài sản. Nhìn bản Kê khai, ta lại mủi lòng: Sao mãi mình vẫn chưa giàu được nhỉ? Và rồi, ta lại được an ủi. Hóa ra ta vẫn chưa phải là người nghèo nhất. Ngay cả một người nông dân chân lấm, tay bùn, ở dưới đáy xã hội, nhưng vẫn có mảnh vườn, cái ao, hay chí ít cũng có con lợn, con gà. Nghĩa là vẫn có tài sản. Chỉ duy nhất một người dường như không có gì cả, một người nghèo nhất nước. Người đó là Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác giả và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lục lọi trong tiểu sử Bác, đến cả nhà riêng của Người, ta thấy Người có gì? Một tấm áo kaki, đôi dép cao su, chiếc quạt bằng lá cọ… Vật chất là thế đấy. Còn tinh thần ư? Bác cũng là người duy nhất không có bất kỳ các loại Huân, Huy chương gì, đến cả sơ đẳng nhất là Bằng khen, Giấy khen, Người cũng không có. Bác còn là người nghèo nhất cả trong cõi riêng tư. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại, có những đêm, khuya rồi, Bác đã tắt đèn, nhưng trong phòng vẫn có tiếng đài. Đồng chí Vũ Kỳ tưởng Bác đã ngủ, rón rén đến tắt. Bác ngăn lại: “Đừng… Cứ để thế cho căn phòng Bác nó ấm, vì có tiếng người, tiếng phụ nữ…”

Ôi! Đài Tiếng nói ViệtNam! Vinh quang biết bao! Hạnh phúc biết bao khi Đài đã trở thành người bạn đường, người sẻ chia, an ủi Bác, trong những khoảnh khắc Người cô đơn nhất!

Nghĩ đến Bác, ngay cả một người bất hạnh đến cùng cực, cũng thấy được an ủi, sẻ chia. Hóa ra mình cũng vẫn chưa phải là người bất hạnh nhất.

Một người nghèo nhất nước như Bác, nhưng lại để cho chúng ta một di sản đồ sộ. Đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp Cách mạng chói ngời, một tấm gương trong sáng và lối sống cao đẹp đến tinh khiết.

Ta hiểu vì sao Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động. Bác đặt tên Đảng là Đảng Lao động ViệtNam. Nghĩa là Đảng của tất cả mọi người, vì ai mà chẳng là người lao động. Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Vào những dịp tết đến, xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết.

Chuyến thăm rất bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, rồi tuyên truyền, đưa tin. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ. Một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị.

Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác…Gia đình cháu khổ lắm…Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu..”. “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?…”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc. Đó là một trong những cái Tết cuối cùng của Bác trong ký ức của đồng chí Vũ Kỳ.

Dân còn nghèo như thế, nên Bác sống rất đạm bạc tằn tiện. Bữa ăn của Người là bữa ăn của một nông dân nghèo. Tiếp khách quốc tế, Bác vẫn mang trang phục của một người nông dân nghèo. Bộ quần áo nâu và đôi dép cao su. Một đồng chí cán bộ tỉnh ái ngại: “Thưa Bác, Bác thay mặt cho Đảng, cho Dân, Bác vất vả thế này, có khi bạn bè quốc tế lại trách Đảng trách Dân không chu toàn với Bác…”.

Bác cười điềm đạm: “Bác sống thế này mà ở dưới, có chú còn nhũng nhiễu làm khổ dân. Bác mà sống xa hoa thì ở dưới các chú đục khoét hết của dân à?”

Cuộc đời của Bác, nếp sống của Bác là một bài học lớn cho các cán bộ cấp dưới. Ta hiểu vì sao trong những năm chiến tranh, đất nước loạn lạc, mà xã hội lại rất thanh bình, lòng dân không ly tán. Ra đường không lo trấn lột. Về nhà không sợ trộm cắp. Cũng không có tham nhũng, đĩ điếm. Một đời sống lành mạnh giữa một bầu khí quyển trong veo.

Một người suốt đời sống vì dân, lo cho dân, ngay trong những giây phút cuối cùng giã từ cõi đời, phần nói về mình, Về việc riêng, Người cũng chỉ dành cho mình đúng 79 chữ. 79 chữ tổng kết cả một đời người 79 năm, trong một ít chữ phong phanh ấy, Người cũng lại chỉ canh cánh lo cho dân, không muốn tổ chức tang lễ điếu phúng linh đình để đỡ tốn thời giờ và tiền bạc của dân.

Chúng ta đang học tập tấm gương Đạo đức và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng thế nào là Tư tưởng Hồ Chí Minh? Tôi cũng đã theo học và nghiên cứu. Có rất nhiều định nghĩa. Nhưng cũng không ít những quan niệm áp đặt và chủ quan. Nói về Tư tưởng Hồ Chí Minh, có lẽ không có ai nói hay hơn và chuẩn xác hơn cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười. Mà ông cụ lại nói vo ở Hội Nhà văn, nói suốt 4 giờ liền về nhiều vấn đề mà giới văn chương rất tâm đắc.

Khi bàn về Tư tưởng Hồ Chí Minh, cụ Đỗ Mười đưa ra một định nghĩa rất ngắn mà vô cùng chuẩn xác: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Là ViệtNamhóa tất cả những tư tưởng tiên tiến nhất, đặc sắc nhất của nhân loại và biến chúng thành hiện thực ở ViệtNam!”

Quả đúng như vậy. Ta có thể tìm thấy trong những câu nói bất hủ của Người, những kinh nghiệm được đúc kết của rất nhiều thời đại. Và một trong những bài học sâu sắc Người để lại cho chúng ta là sự chiêm cảm tinh vi đến chuẩn xác và nghệ thuật dùng người. Đây chính là một bí mật của Bác mà chúng ta cần nghiên cứu, khám phá. Bác có tầm nhìn rất xa và rất chuẩn xác.

Năm 1941, Bác có bức tranh, vẽ cây kèn, con số 1945 cùng câu thơ “Việt Nam Độc lập thổi kèn loa”. Sau quả đúng như vậy. Và như thế, Bác đã “nhìn” thấy ngày Độc lập từ năm 1941. Sau này Người cũng đoán chuẩn xác năm giải phóng Sài gòn. Tối 30/4/1960, trong diễn văn chào mừng Quốc tế Lao động tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có một dòng rất đặc biệt, lúc đó Người đã giấu đi bằng một nét gạch xóa, nhưng vẫn còn được lưu giữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh “…Cùng lắm cũng chỉ 15 năm nữa, nước nhà sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc sẽ sum họp một nhà…”.

“15 năm nữa…” tính từ thời điểm năm 1960 thì đúng là năm 1975. Rất chuẩn xác. Bởi thế, có người coi Bác như một vị Thánh. Tài nhất là nghệ thuật dùng người. Đây chính là mấu chốt quyết định sự thắng lợi của Cách mạng. Năm 1946, khi phải rời Tổ Quốc, Người lại trao toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn một câu:  “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.  Với một nhà Nho uyên thâm như cụ Huỳnh, chỉ nói thế là đủ.

Điều đáng ngạc nhiên, sao lúc ấy, tình thế rất phức tạp, thù trong, giặc ngoài, trong Chính phủ có bao nhiêu Đảng viên cốt cán, Bác không trao, mà lại trao quyền điều hành đất nước cho một nhân sĩ không phải Đảng viên là cụ Huỳnh Thúc Kháng? Đưa một người không phải Đảng viên lên chức vụ lớn, lại trao cho cả vận mệnh đất nước là một quyết định táo bạo.

Nhưng bằng lối ứng xử rất đẹp ấy, Bác đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Bởi thế, rất nhiều nhân sĩ, trí thức, ở nhiều đảng phái khác nhau đều tìm đến với Người, có không ít người từ bỏ đời sống nhung lụa, trở về Tổ Quốc, cùng đồng cam cộng khổ với Người. Những năm tháng cam go ấy, không có nhiều ban bệ, tư vấn, mà sao Bác dùng người chuẩn thế. Những cán bộ được Bác chọn, trao việc đều trở thành những nhân vật xuất sắc của lịch sử đất nước.

Đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều lúc tôi cứ vân vi tự hỏi, bằng phép nhiệm màu nào mà Bác đã nhìn thấy khả năng thiên tài quân sự trong Võ Nguyên Giáp, một người chưa từng qua bất kỳ một khóa học quân sự nào?. Lúc ấy, ông Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở trường tư thục Thăng Long.

Một con người hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà Bác lại trao cho việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên Đại tướng và ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc quân: “Chú là Tướng biên ải, Tướng ngoài mặt trận, có gì cần thiết, chú cứ quyết rồi báo cáo Bác sau!”.

Sau này, ta mới biết việc chọn Tướng Giáp của Bác tài tình đến như thế nào. Võ Nguyên Giáp quả là một thiên tài quân sự. Tên tuổi ông có thể đặt bên cạnh những tên tuổi lừng danh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: những Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung… Vậy bằng cách nào Bác phát hiện được khả năng tiềm ẩn một Thiên tài quân sự trong dáng vẻ bạch diện thư sinh của một ông giáo dạy sử ở một trường phổ thông? Đó chính là một bí mật.

Nhà báo nổi tiếng Mỹ Lady Borton kể lại rằng, có lần, mấy nhà báo Pháp cũng rất ngỡ ngàng hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh một câu hỏi khá hắc búa: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài phong ông Giáp lên thẳng chức Đại tướng, là phong theo tiêu chí nào?”. Bác bảo: “Nước tôi là nước du kích. Chúng tôi đánh giặc theo lối du kích, thì phong hàm cũng là phong theo kiểu du kích. Ông Giáp của chúng tôi đã đánh thắng tất cả các ông tướng tài giỏi của nước Pháp, vậy thì ông ấy phải là Đại tướng thôi”. Nói rồi, Bác cười rất sảng khoái. Mấy nhà báo quốc tế cũng cười. Câu hỏi móc mói nhuốm màu bùa chú đã bị hóa giải.

Bác của chúng ta là thế đấy!. Người rất tài biến những chuyện to tát, nghiêm trọng thành những điều hết sức giản dị, mộc mạc. Chỉ những người từng trải, uyên thâm và lịch lãm lắm mới có thể làm được như thế…/.

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Chín 13, 2011

Nhớ Quê hương

Nhớ Quê hương

Đã đi góc biển chân trời

Càng xa nỗi nhớ quê tôi càng dày

Bồi hồi ngó dưới vườn cây

Tháng ba mưa bụi tím đầy hoa xoan

Chiều dông vại nước ngập tràn

Trưa hè đổ lửa úa vàng thân tre

Yên lành tiếng ếch tiếng ve

Bờ ao đom đóm lập lòe đêm đêm

Trăng quê sáng tỏ như đèn

Liêu xiêu bóng mẹ dáng em hao gầy

Trong veo cái thuở thơ ngây

Ai qua hương tóc con say gió chiều

Đói nghèo đùm bọc đói nghèo

Công ơn bác mẹ chín chiều nặng sâu

Qua rào trao bát canh rau

Tối đèn tắt lửa có nhau tháng ngày

Cho dù trời đất đổi thay

Trong tôi kỷ niệm vẫn đầy như xưa

Xóm thôn ngày ấy bây giờ

Vẫn là bờ đợi bến chờ cõi xa

Mang theo hình bóng quê nhà

Nghĩa tình sau trước mặn mà không vơi

Dẫu đi cuối đất cùng trời

Càng xa nỗi nhớ quê tôi càng dày.

(Thơ Vũ Văn Hiền)

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Chín 13, 2011

Nhớ Sông Gianh quê hương tôi

Sông Gianh hoàng hôn

Sông Gianh chiều

Lòng ta yêu trăm núi ngàn sông

Chí ta hướng biển Đông bát ngàt

Nhưng đã dạ nào quên được

Một nhánh sông con nằm giữa làng quê

Sông Gianh

Dẫu càng đi càng nhớ lắm sông ơi

Nhớ lòng sông trong chứa cả mây trời

Nước gương sáng sớm chiều soi chung bóng

Tre bối đụn với cùng nè hóp

Sông dịu êm duyên dáng chẳng cần đê

Mát đồng xanh no ấm bờ tre

Sông mến yêu ơi tháng chờ năm đợi

Ngỡ còn hãy còn mơ về lại đây rồi

 

Tựa nhịp cầu giờ ta đứng giữa sông

Cả làng xóm yêu ôm ấp trong lòng

Ta lại đi giữa niềm tin nỗi nhớ

Ôi gió đàn tre múa giao hoan

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Tám 17, 2011

Về Quảng Bình thưởng thức đặc sản

Về Quảng Bình thưởng thức đặc sản

 

Quảng Bình không chỉ được biết đến với nhiều bờ biển đẹp, nhiều danh thắng làm say lòng du khách mà nơi đây còn có nhiều món ăn khiến ai đã từng thưởng thức đều nhớ mãi không quên.

Tuy không phải là cao lương, mỹ vị, chỉ được chế biến từ những nguyên liệu rất đời thường nhưng dưới đôi tay khéo léo, sáng tạo của người dân địa phương, những củ khoai, củ sắn, con hàu, con tôm… đã trở thành những món ăn đặc sản, món quà cho du khách gần xa.Có dịp đến Quảng Bình đừng quên ghé Quán Hàu trên quê hương mẹ Suốt thưởng thức các món hàu thơm, béo và ngọt mát. Các quán hàu từ lâu đã nổi tiếng với nhiều món ăn được chế biến từ con hàu lấy từ sông Nhật Lệ. Điều đặc biệt là cũng trên sông này nhưng hàu ở những khúc sông khác không nhiều và ngon bằng hàu ở đoạn qua thị trấn này. Một số người cố gắng lý giải nhưng lời đáp vẫn còn là một bí ẩn. Có lẽ do nơi đây là điểm giao thoa, hòa quyện giữa hai con nước mặn và ngọt như sự kết duyên của một tình yêu đẹp.
 

Hàu chế biến được rất nhiều món

Hàu có thể chế biến nhiều món khác nhau như nấu cháo gạo, xào với hành kẹp bánh tráng hoặc nấu canh chua, canh rau tùy sở thích. Riêng món cháo được rất nhiều người ưa thích. Hàu được xào um sẵn với gia vị như hành, ớt, tiêu cùng muối để cho thấm. Khi có khách gọi món này thì chủ quán chỉ việc lấy hàu đã làm cho vào cháo gạo đã nấu ở nồi khác đun ít lửa là sẽ có một tô cháo thơm, ngọt ngào. Nếu không muốn ăn cháo theo kiểu um sẵn thì phải chịu khó đợi làm hàu tươi sống, ướp gia vị đổ vào cháo đang sôi. Ăn theo kiểu này hàu sẽ béo và ngọt hơn.


Bánh bột lọc:

Bên cạnh món cháo còn có bánh lọc bột sắn, tôm sông. Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng để làm bánh chỉ là loại tôm nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa vừa mặn mòi vị biển. Bột sắn khi đã lọc đem luộc chín vài phần, phần nhân bên trong còn trắng. Vớt bột ra để nguội, đem phần sống, phần chín trộn nhồi kỹ với nhau, đây là thao tác công phu nhất của món ăn này. Mỗi chiếc bánh bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hấp. Loại bánh này có thể để nhiều ngày, khi ăn đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm ngon. Bánh lọc Quảng Bình được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình, vài lát ớt cay xé lưỡi sẽ khiến thực khách nhớ mãi không quên.

 

Khoai dẻo:

Khoai dẻo cũng là một đặc sản tại Quảng Bình. Từ củ khoai có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau từ bình dân đến sang trọng như khoai nướng, khoai chiên, khoai luộc, khoai nấu chè, khoai làm bánh, khoai làm mứt, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là món khoai dẻo. Khoai sau khi thu hoạch về, để một thời gian cho bớt bột mới luộc rồi bóc vỏ, thái từng lát mỏng đem phơi. Chế biến khoai dẻo phải chờ những ngày nắng to khoai mới nhanh khô, dẻo, trong và thơm ngọt. Du khách đến Quảng Bình ai cũng mang khoai dẻo về làm quà như thứ hương vị rất riêng của vùng đất này.

Thế mới biết, vị mặn mòi của biển và nắng gió Quảng Bình đã tạo cho các sản vật của vùng đất này hương vị riêng thơm ngon, đậm đà mà rất tự nhiên.

 
Và cũng không thể bỏ qua một món ăn khoái khẩu dành cho các quý ông, đó là món đẻn biển.
 
Đẻn biển Quảng Bình
 
Đẻn có bốn loại: đẻn cơm, đẻn rồng, đẻn xanh, đẻn cò. Cả bốn đều có những độc tố rất mạnh. Đẻn cơm, đẻn cá cũng chỉ là một (người Quảng Bình chỉ gọi là đẻn cá). Đẻn cơm mình ngắn, da phớt vàng, hễ chạm nọc của nó là chết. Đẻn rồng (đầu giống hệt đầu rồng) mình dài, vằn vện đen trông rất ghê. Con nhỏ khoảng 800g, con lớn nặng đến 4kg. Khi gặp đẻn rồng phải hết sức cẩn thận bởi nó là loại đẻn rất nhanh và khỏe, có thể bơi như xé sóng để phóng độc. Đẻn xanh đầu vừa ngắn, vừa khô, da mái xanh. Đẻn cò nặng nhất cũng chỉ đạt 1,2kg. Loại này có ngoại hình rất lạ: đầu và cổ (dài 20cm) bé như chiếc đũa con nhưng toàn thân lại có thể phình to như bắp chuối. Đây là loại đẻn độc nhất, nếu đã “nổ” thì đừng mong cứu sống nếu chậm.

Ta có thể buộc dây vào đầu nó treo lên, cắt chút sau đuôi cho máu chảy vào rượu. Hoặc có thể cho cả con đẻn vào bình rượu ngâm ba đến dăm hôm là uống được. Uống rượu tiết đẻn có vị chát, nó còn chữa được bệnh đau lưng.

Còn ram đẻn (người Bắc gọi là nem). Đẻn làm sạch, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng để không bị tanh. Bằm cả xương thật nhuyễn cho gia vị vào trộn đều ngâm một lúc dùng bánh đa cuốn thành từng chiếc nhỏ, bắc lên chảo rán.

Rượu đẻn – Ram đẻn luôn là đặc sản của bãi biển, của người dân Quảng Bình. Ngôn ngữ có thể không hấp dẫn nhưng ăn vào bạn không thể quên vị chát của rượu, vị ngọt của đẻn và mùi thơm quyến rũ do tài chế biến gia vị của các “bếp trưởng” tạo nên chiếc ram. Chỉ cần một chai rượu đẻn, một đĩa ram ngồi bên bờ biển bạn có thể tâm sự với nhau bao nhiêu điều!

Ngoài những đăc sản trên, còn có cơm gà Lạc Sơn -Tuyên Hóa – Quảng Bình, mực khô, bánh khoái, bánh bèo, cá nghéo bao tử, mang cá thiều, cá ngứa, ruốc tháng sáu, mắm lẹp v.v.. mang đậm tình người của mảnh đất đầy gió và cát này.

 
 Nguồn Kỳ Nhông Miền Trung
Đăng bởi: thuanbai | Tháng Tám 17, 2011

Ram đẻn (nem đẻn – chả đẻn) Đồng Hới

Quảng Bình có thành phố Đồng Hới bên bờ sông Nhật Lệ thơ mộng, hiền hòa với nhiều bãi tắm dọc bờ biển mang nét hoang sơ, ẩn hiện dưới những rặng phi lao xanh êm đềm. Cảnh quan ở đây thật đẹp và không khí thật trong lành. Đến đây bạn được ngắm nhìn đôi bờ sông Nhật Lệ “in bóng mái chèo Mẹ Suốt”, thuyền bè qua lại, chiếc cầu mới qua sông, những con đường mới, đi dọc bờ biển và tắm mát… mà còn được thưởng thức nhiều loại hải sản tươi, ngon. Các nhà hàng dọc con đường nằm sát biển, thoáng, mát, đều phục vụ các loại hải sản của Quảng Bình nhưng ấn tượng nhất vẫn là đặc sản Đẻn biển, ăn một lần sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời.

Đẻn có hình dài như con rắn, trên mình có vằn, da rất nhám. Tiết đẻn là “món” đầu tiên, uống vào thấy trong lòng “xao xuyến”. Cắt một chút ở đuôi đẻn để lấy “tiết” cho chảy vào rượu. Hoặc có thể ngâm cả con đẻn vào bình rượu (rượu ngon), ngâm ba đến năm ngày là uống được. Rượu tiết đẻn uống vào có vị hơi chát, ấm, là một loại thuốc chữa được bệnh đau lưng.

Món Ram đẻn mới ngon. Đẻn làm sạch, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, bằm cả xương thật nhuyễn, cho các gia vị vào trộn đều, ướp một lúc, lấy ra cho vào bánh đa cuốn thành từng chiếc ram nhỏ, sau đó đưa lên chảo rán đều, mùi thơm không nhịn được.

Đẻn là đặc sản của biển Quảng Bình. Rượu đẻn, ram đẻn là “khoái khẩu” của người dân Quảng Bình. Món ngon đẻn không thể diễn tả hết bằng lời nhưng có thể nói hấp dẫn và không thể quên. Nếu bạn đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi vị đặc biệt của rượu “tiết” đẻn, hượng vị thơm ngon quyến rũ của ram đẻn. Ngồi bên bờ biển thư giãn giữa trưa hè hay đêm khuya với bạn hiền, chỉ cần mấy ly rượu đẻn, một đĩa ram đẻn còn nóng hổi với những lời tâm tình sâu lắng, đời sẽ vui và thú vị hơn.

Quảng Bình có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, đặc biệt là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – Di sản thiên nhiên thế giới. Mời bạn đến thăm Quảng Bình và nhớ ghé về bờ biển Nhật Lệ thưởng thức đặc sản đẻn biển.

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Tám 8, 2011

Những bài thơ bất hủ

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Bảy 29, 2011

So sánh Dân Choa và Thuận Nghĩa Quê Choa

Làng túc cầu thế giới thường so sánh Ronaldo7 va Messi10 xem ai hơn ai nhưng cuối cùng vẫn không thể nào phân định được ai giỏi hơn ai. Mỗi người đều có điểm mạnh điểm yếu nhưng cả hai đều có khả năng làm mê hoặc bất cứ cổ động viên nào. Quê choa FC cũng có hai nhân vật rất đặc biệt, cả hai đều là những tài năng xuất chúng và có khả năng làm mê hoặc các chị em phụ nữ. Đó là Dân Choa và Thuận Nghĩa. Cũng như so sánh Ronaldo và Messi, để so sánh Dân Choa và Thuận Nghĩa  phải đề ra những tiêu chí như ai đẹp trai hơn, ai giỏi tán gái hơn, ai tài lừa hơn… (lừa đây là lừa bóng).

Thuận Nghĩa

 

Những điểm tương đồng:

  1. Về tuổi tác: Cả hai đều không già không trẻ cũng có thể làm ông nhưng cũng có thể làm anh tùy đối tượng.

  2. Về nơi sinh: Cả hai đều sinh ra cùng một chổ như nhau (đừng hiểu nhầm nhé, ý tui ở đây là cả hai lão đều sinh ra ở miền trung).

  3. Về  giọng nói: Cả hai đều nói rất nặng giọng khu 4

  4. Về học vấn: Cả hai đều học rộng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý

  5. Về năng khiếu: Cả hai đều có năng khiếu, có nhiều biệt tài, văn chương, hội họa..

  6. Về sở thích:

Cả hai có cùng sở thích như sau:

      Cả hai đều khoái ăn khoai

      Cả hai đều khoái phụ nữ đẹp (ngày xưa thôi, ngày nay thì có thể khác)

Cả hai đều khoái thuốc (Thuận nghĩa khoái bốc thuốc còn Dân Choa thì khoái hút  thuốc).

Và cuối cùng, cả hai đều khoái Quê Choa.

  1. Về khả năng sát gái: Cả hai đều có khả năng mà giới mày râu phải ghen tị đó là khả năng làm mê hoặc chị em bằng cái …. Mồm

  2. Chiều cao cân nặng: Như nhau

  3. Biệt tài khác: Cả hai đều nói ngoại ngữ rất sỏi

  4. Cả hai đều cực kỳ chung thủy nên nhiều chị em dẫu thèm rõ dãi vẫn không nếm thử được.  

 

Những điểm khác biệt:

  1. Nhà Thuận Nghĩa gần cụ Giáp, còn nhà Dân Choa gần nhà cụ Hồ.

  2. Thuận Nghĩa thì theo Phật, còn Dân Choa thì theo Bác

  3. Dân Choa có vẽ bí hiểm hơn Thuận Nghĩa (Quê choa không bao giờ thấy mặt Dân Choa bởi vậy có người còn tưởng là Bảo Ninh, có người tưởng là Bảo Phúc.. hee)

  4. Dân Choa có vẽ khoái chính trị còn Thuận nghĩa lại có vẽ khoái văn thơ hội họa

  5. Hình thức bề ngoài: Dân Choa trông phong trần từng trãi, còn Thuận Nghĩa thì trong rất thư sinh

  6. Thuận Nghĩa thì hay mơ mộng còn Dân Choa thì thực tế hơn.

  7. Ở Quê choa, Các chị em mê Dân Choa hơn Thuận Nghĩa, đặc biệt là chị Bạch Dương, bởi vì anh Dân Choa sâu sát hơn.

  8. Thuận Nghĩa thỉnh thoảng ăn chay còn Dân Choa thỉnh thoảng ăn thịt chó (không ăn thì thèm)

  9. Dân Choa thì “Đeo kiếng” còn Thuận Nghĩa thì ngược lại.

  10. Thuận Nghĩa thì “chân tình” còn Dân Choa thì “chân thật”

 

Trông rất giống anh Dân Choa. Không biết có phải không?

 

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Một 2, 2011

Thế hệ trẻ Thuận Bài ở Sài Gòn

Bên cạnh làng tôi

Đất bán hết rồi

Chỉ còn nho nhỏ

Nghĩa địa xa xa

 

Bên cạnh làng tôi

Yếm thắm lụa đào

Ngực cau nhu nhú

Đã vội đi xa…

Những giai điệu buồn của nhạc sĩ Lê Minh Sơn như xoáy vào tim mỗi con người, nó phản ánh đúng thực trạng làng quê Việt Nam hiện nay, trong đó có làng Thuận Bài của chúng ta. Đúng như vậy, trong quá trình đô thị hóa, sự phát triển mất cân bằng giữa thành thị và nông thôn, làng quê Việt Nam trở nên buồn hơn, mất dần bản sắc, nơi đó chỉ còn người già và trẻ em, nơi đó chỉ là nơi đi và về của thanh niên nam nữ trong dịp tết nguyên đán. Nhiều ngôi nhà, bây giờ, chỉ còn là nơi thờ tự, cúng viếng ông bà vì không còn ai ở đó nữa.

Trong vòng xoáy của quá trình đô thị hóa, cũng như các làng quê Việt Nam khác, thanh niên, nam nữ làng ta đã lên thành thị tìm kế sinh nhai. Phần lớn trong số đó là đi vào thành phố Hồ Chí Minh, hay còn gọi là “đi Sài Gòn”. Vậy thế hệ trẻ làng Thuận Bài chúng ta đang làm gì, sinh sống ra sao tại Sài Gòn?

Do điều kiện địa lý của làng, do chiến tranh, do tính cách phiêu lưu của con người Thuận Bài, thế hệ cha ông chúng ta đã ra đi lập nghiệp khắp bốn phương trời. Phải nói rằng, những thế hệ đi trước, nhờ tài trí, nhờ tính thông minh, cần cù chịu khó, đã có không ít người thành đạt. Một số thành đạt nhờ công việc kinh doanh buôn bán, chẳng hạn như ông Trần Bỉ, Trần Cáp, Quảng Trung, một số thành đạt nhờ học hành đỗ đạt, như GS tiến sĩ Trần Hà Anh (Nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt), GS tiến sĩ Trần Hà Nam, có những người thành danh trên đường bình nghiệp như đại tá anh hùng liệt sĩ Trần Đình Xu, đại tá Trần Xuân Hy, cục trưởng cục Quân lực, Trần Hy cục trưởng cục thống kê, đại biểu quốc hội … rồi rất nhiều người thành đạt ở trời Tây, trời Mỹ mà trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết được. Đến bây giờ thế hệ thứ hai của những lớp người đi trước, đa phần là sinh ra tại Sài Gòn, có rất nhiều người thành đạt, có người đang là quan chức nhà nước, có người là những nhà kinh doanh…Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến thế hệ này và con cháu của họ, vì thực sự, đa phần trong họ bây giờ có thể coi là cư dân của Sài Gòn hoặc là cư dân của những nơi họ đang sinh sống.

Thế hệ trẻ Thuận Bài chúng ta, đa phần sinh sau hiệp định Pa-ri năm 1973, là thế hệ thứ hai, thứ ba và cả thế hệ thứ tư của những người được dòng họ phân công ở lại thờ cúng ông bà và phụng dưỡng cha mẹ già. Đó là một thiệt thòi rất lớn, điểm xuất phát chúng ta khi ra đi tìm kế sinh nhai, bước chân vào Sài Gòn lập nghiệp là con số không. Chiến tranh, định hướng sai lầm của nhà nước sau khi hòa bình lập lại, tạo nên cảnh tiều điều của một làng quê vốn đã là túi hứng bom của đế quốc Mỹ, lại càng tiêu điều hơn. Nạn đói những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ  trước, thiên tai, bảo lụt, đã cướp đi cơ hội được học hành tử tế của những con người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ này. Bến phà Gianh là một tác động không nhỏ đến con người của Làng Thuận Bài chúng ta và hai làng Cao Lao Hạ (Kẻ Hạ), Kẻ Đờn ờ phía Nam sông Gianh. Nó giúp cho dân làng có kế sinh nhai bằng cách buôn bán hàng rông, mở quán xá dọc hai bên đường quốc lộ xuống bến phà, nhờ đó vượt qua được nạn đói những năm đó. Nhưng ngược lại, vì sự hấp dẫn của những đồng tiền kiếm được mà đa số con em trong làng đã bỏ học để đi “bán Phà”. Như anh Trần Hoài Nam, mặc dầu hôm nay đã có bằng Thạc sỹ, có công ty riêng, xe hơi riêng nhưng anh vẫn không quên thời gian bỏ học hai năm để bán thuốc lá, chè chén tại bến phà Gianh.

Người Thuận Bài trẻ ở Sài gòn (có thể gọi tắt thế hệ trẻ Thuận Bài như vậy) hiện nay chưa có ai thực sự thành đạt, nổi tiếng, nhưng cũng có người được xem là đã thành đạt bởi vì điểm xuất phát của họ, sự thiệt thòi mà họ phải chịu. Đa phần trong số họ đều có nghị lực và ý chí, họ tự biết, con người muốn tồn tại bắt buộc phải có trí tuệ có kiến thức. Có thể họ học ở trường học hay trường đời, nhưng đa số họ đều có tính ham học hỏi, cầu tiến biết lắng nghe. Một điều đặc biệt, gần như có sự tiền định, những thành công của họ đều ở lĩnh vực điện, lĩnh vực mà những người Thuận Bài đầu tiên vào Sài gòn đã lựa chọn để rồi đi đến thành đạt. Có thể kể đến, như anh Trần Minh Việt với công ty Chiếu sáng Thiên Minh, anh Trần Hoài Nam, với công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh Đông Dương, anh Nguyễn Văn Lai với công ty Mai Nguyễn…Những công ty này đã tạo công ăn việc làm cho con em trong làng, định hướng cho thế hệ kế tiếp có con đường để lập nghiệp.

Một số người Thuận Bài trẻ cũng thành đạt nhờ con đường học vấn và phục vụ cho nhà nước hay trong Quân đội. Những sự thành đạt đó tuy cũng còn giới hạn nhưng không thể không kể đến, chẳng hạn như anh Trần Minh Thành, anh Trần Xuân Hiền, anh Mai Xuân Hoài, Trần Văn Hà…

Vậy thì phần đông còn lại người Thuận Bài Trẻ ở Sài Gòn làm gì, sinh sống thế nào?. Như đã nói ở trên, hành trang vào đời của họ là con số không. Không tiền, không nhà, không trình độ, không nghề nghiệp. Bởi vậy, họ vào Sài Gòn sinh sống bằng bất cứ nghề gì. Một trong những nghề thu hút lao động ở thành phố Hồ Chí Minh đó là nghề xây dựng, nghề may công nghiệp. Như vậy nam thanh niên thì làm nghề xây dựng, còn nữ thanh niên thì vào làm ở các xưởng may. Một số theo nghề lái xe, nghề điện, nghề mộc, buôn bán nhỏ…Trong số này, có nhiều người vì nguyên nhân về quê để cưới vợ, hoặc về quê phụng dưỡng cha mẹ già, hoặc không thể tồn tại được ở Sài Gòn đã quay lại quê hương sinh sống.

Những người ở lại, nhờ chịu thương, chịu khó, cần cù, tiết kiệm, cũng ky cóp mua được mảnh đất, dựng căn nhà, như vậy có thể xem là đã trụ lại được ở Sài Gòn. Họ mong chờ con cái họ được học hành đến nơi đến chốn để tiếp bước cha ông trên con đường lập nghiệp tại phương xa.

 
 Thế hệ trẻ Thuận Bài tương lai
 

Nối tiếp truyền thống những người đi trước, người Thuận Bài trẻ cũng đoàn kết, thương yêu, tương thân tương trợ lẫn nhau. Trong số họ, không ít người đã thành đôi, thành cặp, thành nhà, thành gia đình hạnh phúc, con cái dễ thương kháu khỉnh. Những người Thuận Bài trẻ ngày nay, nhận thức được tầm quan trong của trí thức, họ đã chú trọng hơn trong việc học, nhiều người đã hướng cho em út, con cháu của mình học hành để có ngành nghề, có công ăn việc làm đàng hoàng hơn. Nhiều người, đã vừa học vừa làm, nhờ đó cũng đã tốt nghiệp đại học.

   
 
 
 

Thế hệ thứ hai của Người Thuận Bài Trẻ

 

Mặc dầu chưa chính thức nhưng hội những người Thuận Bài trẻ đã có nhiều việc làm ý nghĩa và thiết thực. Tại Sài Gòn, đã có câu lạc bộ bóng đá, với những cựu danh thủ một thời như Trần Minh Thành, Trần Hoài Nam, Mai Xuân Hoài, Trần Vũ Toàn, Trần Xuân Linh, Trần Văn Hùng …Những người con của Thuận Bài đã quyên góp tài trợ cho quê hương hệ thống đèn chiếu sáng, đó là làng quê đầu tiên của Quảng Bình có ánh điện cao áp. Trong những dịp tết nguyên đán, những người con của Thuận Bài lại kéo nhau về quê hương ăn tết, mang theo hơi ấm phương Nam về với gia đình, dòng họ tổ tiên ông bà. Không những thế, chính những người Thuận Bài trẻ là những người đầu tiên thực hiện công tác cứu trợ tại đợt lũ chồng lũ năm 2010. Có lẽ đó cũng là đòan cứu trợ đầu tiên từ Sài Gòn về Quảng Bình.

 
 

Đội bóng Thuận Bài

 

 
 
Như vậy, dẫu chưa thực sự thành đạt bằng thế hệ cha ông đi trước, nhưng những người Thuận Bài trẻ đã không hổ danh là con cháu Trần – Ma , danh gia vọng tộc. Viết bài này, không ngoài mục đích là khơi dậy ý chí phấn đấu, lòng tự tôn của những người con Thuận Bài, để  tất cả chúng ta tồn tại, trụ được ở mảnh đất Sài Gòn này, làm giàu cho bản thân và gia đình, nối tiếp truyền thống thế hệ cha anh đi trước.

Để kết thúc bài viết này tôi xin chép bài thơ “Lòng Mẹ “ thay cho những âm thanh buồn của lời bài hát trong phần mở đầu, để chúng ta lạc quan hơn, tự tin hơn trên con đường của mình và luôn hướng về quê hương Thuận Bài thân yêu.

LÒNG MẸ

Xa quê mấy chục năm ròng

Về quê mới hiểu tấm lòng của quê.

Hoa môn táy nở bụi tre

Như cồn đỏ lửa lập lòe dưới mưa

Dàn bầu ru nắng đu đưa

Ai cắt nửa trái nấu vừa đọi canh

Nón bài thơ mười bảy vành

Treo cùng áo lụa, em dành hội xuân

Ngoài hiên hàng cột đứt chân

Mấy viên gạch vỡ, nhiều lần mẹ chêm

Bờ ao vẫn gió đêm đêm

Tha hồ lá khế đầy thềm rụng rơi

Cá rô kho với măng vòi

Sông làng bên lở bên bồi thương nhau

Rồi mùa rơm toóc đi đâu

Đồng làng vẫn cứ một màu xanh xanh

Quê ơi ta bỏ sao đành

Dù chưa giàu có thì anh cứ về

Về quê mới hiểu lòng quê

Con diều rung cánh, triền đê gió nồm.

 

Thuận Bài sau lũ 2010

 
 

 

 

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Mười Hai 28, 2010

Từ Đèo Ngang đến Sông Gianh

Hoành Sơn Quan

“…Thú thực tôi tiếc là không được lên đèo như ngày xưa. Đèo Ngang mang tính lịch sử dài. Có lẽ một nhánh của dãy Trường Sơn kéo dài ra phía biển đông ngăn trở đường ra Bắc vào Nam và trở thành đường ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh. Cách đây mấy trăm năm bà huyện Thanh Quan qua đây. Cảm hứng giữa vùng trời mây non nước hoang sơ. Bà làm bài thơ nổi tiếng:
Tới đến đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lon ton dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà…
Đang hứng. Chúng tôi lại quay sang chuyện văn chương. Mấy năm nay các vị học giả lại đang bàn cãi về từ „chợ“ hay“rợ“ trong bài thơ này.Nghe đâu cũng chưa ngã ngũ. Anh Cường bảo tôi rằng: – Thôi được chuyện cổ thi thì tôi không rành. Nhưng tôi có một chuyện hay. Số là cũng có một ông đồ Nghệ khi đi qua đây. Ông nổi hứng cũng làm một bài thơ. Đáng tiếc là ông làm theo ngôn ngữ địa phương Nghệ Tĩnh. Bây giờ tôi đọc, rồi xin anh phiên dịch ra tiếng phổ thông cho:
Mô rú mô ri, mô nỏ chộ
Mồ rào mồ bể, chộ mô mồ.
Quả là khó cho những ai không thông hiểu phương ngữ miền trung. Ngày nay cũng ít ai sử dụng nó nữa. Nhưng dú sao tôi cũng cố diễn giải thành từ ngữ phổ thông:
Đâu núi đâu non, đâu chẳng thấy
Nào sông nào biển, thấy đâu nào?
Cả hội cười vang và bảo rằng người xa quê như tôi mà diễn giải như thế là khá lắm rồi. Anh Cường bảo rằng khi quay ra, nếu có thời gian có thể chạy theo đường cũ thì tôi có thể ngắm trời mây non nước ở đây.

 

Sông Gianh

Xe chạy đều vì đường tốt. Chúng tôi nghỉ lại ở một quán vắng sát biển. Người ta gọi là bãi đá nhảy. Hàng dãy quán vắng tanh, không có du khách nghỉ nghơi.Có lẽ vào mùa đông, lại dịp đầu năm không ai xuống biển để làm gì cả. Cả đòan đã đói. Một ông cụ chủ quán hỏi chúng tôi ăn gì. Anh Trung muốn ăn cá. Chúng tôi tán thành ngay. Tôi hỏi ông cụ:
– Bõ ơi! Vùng ta có cá chi Bọ?
– Có cá Mú chú à! Cá ni ngon nhứt đó.
Nghe ông cụ trả lời tôi giật mình, nghĩ là ông đùa- cá mú- như một từ đệm. Nhưng anh Cường giải thích. Đúng là ở đây có lọai đó và rất ngon. Tôi loay xoay vòng xuống bãi biển yên tĩnh chụp mấy tấm ảnh kỉ niệm. Gió biển mùa đông thổi ào ào. Bãi cát dài nhưng vắng teo bóng người. Sóng xô bọt biển xám ngầu tràn lên bãi cát. Bầu trời ảm đạm vần vũ mây nên cũng không thơ mộng lắm. Quay lên quán thì mọi người bắt đầu xúm vào nồi cháo cá. Chúng tôi gọi thêm một tí rượu cho thêm vui vẻ. Bát cháo to, tràn đầy các khúc cá Mú trắng tinh. Thịt cá thơm, nước ngọt. Mùi gia vị cay cay quyện với thì là, rau thơm sao mà hấp dẫn thế. Chúng tôi cảm ơn ông cụ đã cho chúng tôi một bữa ngon. Khi trả tiền thì không ngờ quá rẻ. Chỉ 90 ngìn đồng.
Xe chạy đến sông Gianh thì tôi đề nghị cho dừng lại. Tôi đi bộ lững thững xuống mép sông. Sóng vỗ lô xô vào bờ. Tôi khỏa bàn tay xuống làn nước mát lạnh. Tôi có cảm tưởng hình như dòng sông không rộng ,không trong xanh như ngày xưa nữa. Năm 1971 đến đây chúng tôi phải đi qua bằng phà. Rồi theo hướng Xuân Sơn mà vào tuyến đường 20. Hơn 30 năm trôi qua, mọi thứ thay đổi nhiều quá. Thời phân chia Trịnh- Nguyễn thì sông Gianh là giới tuyến chia đất nước thành Đàng trong và Đàng ngòai. Giới tuyến này kéo dài 200 năm. Nơi đây cũng là nảy sinh ra câu ca dao ai óan của dân tình :
Ai làm cho vợ xa chồng
Cho con xa cái, cho lòng ta đau.
Nhà văn Tô Hòai cũng cho biết là câu ngạn ngữ” ông ba bị chín quai” cũng xuất phát từ vùng Quảng Bình này. Số là khi chia cắt ranh giới. Đàng trong vốn ít người cho nên chúa Nguyễn cho quân qua sông. Họ đan những chiếc bị cói lớn có tới chín cái quai. Bắt trẻ con vùng ven sông phía bắc đưa vào nam. Cha mẹ mất con đành tìm đường vào Nam làm dân chúa Nguyễn…”

(trích Ký sự Những nẻo đường Miền Trung- 2005 của DC)

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Mười Hai 18, 2010

Xã Liên Trạch

Đi hái củi (cách nói của người Quảng Bình)

Ra về, đường đèo còn lắm cheo leo

Qua khe rồi

Lại qua dốc rồi

Phía trước vẫn còn dốc cao

Lại chuẩn bị qua đập tràn

Ngắm rừng thông

Non nước hữu tình

Xanh biếc nước, xanh ngắt cây

Đôi bạn

Hồ xanh biếc

Hồ trên núi

Khen ai khéo tạc vơi đầy nước non

Một vùng nước, một vùng non

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Mười Hai 18, 2010

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

Cát và biển

Phan Thiết? Không. Quảng Bình đó

Dấu chân trên cát

Bò cũng vất vã như người

Nhấp nhô cát

Cát quê tôi

Ban trưa

Mênh mông cát

Đồi dương

Sức sống mãnh liệt

Đồi dứa

Đăng bởi: thuanbai | Tháng Mười Hai 18, 2010

Sông Gianh

Chiều sông Gianh

Làng Chài trên sông Gianh

Đò Ngang

Sông Gianh ở Mai Hóa

Bến Đò Ngang

Bò Gặm cỏ trên đê

Bình Yên Sông Gianh

Sông Gianh êm đềm

Thuyền trên sông Gianh

Đê Sông Gianh

Sông Gianh với núi rừng

Cây Bần bên bờ sông Gianh

Chống đò

Bải sông Gianh

Đò đợi ai?

Tắm Sông

 

Nơi đây có nhiều Trạng.

Older Posts »

Chuyên mục